Quận 4 Thành phố Hồ Chí Minh và những điều có thể bạn chưa biết

24/07/2021

Quận 4 Thành phố Hồ Chí Minh và những điều có thể bạn chưa biết

Vậy Quận 4 Tp. Hồ Chí Minh có đặc điểm gì nổi bật? Các dịch vụ, tiện ích dân sinh và chính sách xã hội tại khu vực này đã phát triển đến đâu? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

1. Quận 4 Thành phố Hồ Chí Minh tuy nhỏ nhưng có vị trí đắc địa

Đa số mọi người đều cho rằng các quận thuộc Thành phố mang tên Bác đều rộng, có diện tích lớn và dân cư đông đúc. Tuy nhiên Quận 4 là một ngoại lệ khi chỉ có tổng diện tích rơi vào khoảng 4 km2. Tính đến năm 2019, Quận 4 có khoảng 175.329 dân cư sinh sống. Căn cứ vào số liệu có thể thấy mật độ dân cư tại quận khá đông đúc nhưng vẫn chưa đến mức bùng nổ dân số như một số quận khác cùng thành phố.

Quận 4 Thành phố Hồ Chí Minh từ trên cao
Quận 4 Thành phố Hồ Chí Minh được bao quanh bởi kênh rạch

Điểm mạnh của Quận 4 TPHCM trên thực tế không phải diện tích hay mật độ dân số mà chính là vị trí địa lý. Trước đây khi Thành phố Hồ Chí Minh chưa quy hoạch, khu vực này chỉ là một cù lao tam giác có diện tích khiêm tốn được bao quanh hoàn toàn bởi kênh rạch. Trong vòng 10 năm trở lại đây, các đề án quy hoạch Quận 4 Thành phố Hồ Chí Minh đã lần lượt được chính quyền các cấp triển khai. Nhờ thế mà bộ mặt của khu vực đã được cải thiện, nâng cao một cách đáng kể. Người dân có thể tận dụng lợi thế về vị trí địa lý của khu vực này. 

Căn cứ vào bản đồ Quận 4 Thành phố Hồ Chí Minh có thể dễ dàng nhận ra Quận 4 nằm ở khu vực phía Đông của thành phố, nối giữa hai quận lớn khác là Quận 1 và Quận 7. Nếu các bạn muốn tham khảo kỹ hơn thông tin Quận 4 gần quận nào thì có thể theo dõi các thông tin sau:

- Phía Đông Quận 4 tiếp giáp với Quận 7 thông quan ranh giới là kênh Tẻ. Ngoài ra, sau khi Chính phủ công bố Quyết định thành lập thành phố Thủ Đức thì căn cứ vào vị trí địa lý, Quận 4 cũng tiếp giáp với một số phường của thành phố này và có sông Sài Gòn là ranh giới.

- Phía Tây Quận 4 giáp với địa phận Quận 1 và Quận 5 với ranh giới là rạch Bến Nghé.

- Phía Nam Quận 4 tiếp tục giáp với Quận 7 và một phần địa phận Quận 8.

- Phía Bắc giáp Quận 1.

Nhìn chung, Quận 4 Hồ Chí Minh là một quận có vị trí tương đối đắc địa khi thỏa mãn cả yếu tố gần trung tâm thành phố lẫn việc kết nối dễ dàng đến nhiều Quận, thành phố lớn khác.

2. Tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội tại Quận 4 Thành phố Hồ Chí Minh

Nếu nhắc đến Quận 4 Sài Gòn thì hầu hết các chuyên gia bất động sản đều đánh giá cao khu vực này. Lý do được đưa ra không phải vì tại đây có nhiều quỹ đất hay giá nhà đang chạm “đỉnh” mà là mức sống cao, toàn diện của các cư dân. Có thể nói Quận 4 đã tận dụng yếu tố diện tích tương đối nhỏ của mình để tiến hành quy hoạch hiệu quả, tạo tiền đề tốt cho việc phục vụ đa dạng các nhu cầu dân sinh.

Về xã hội

Vì Quận 4 có diện tích vào diện nhỏ nhất Thành phố HCM nên nhiều người vẫn cho rằng Quận này chỉ có vài phường. Vậy chính xác thì Quận 4 có bao nhiêu phường? Câu trả lời là Quận 4 sở hữu đến 13 phường khác nhau. Cụ thể:

  • Phường 1.
  • Phường 2.
  • Phường 3.
  • Phường 4.
  • Phường 6.
  • Phường 8.
  • Phường 9.
  • Phường 10.
  • Phường 13.
  • Phường 14.
  • Phường 15.
  • Phường 16.
  • Phường 18.

Cần lưu ý rằng tên các phường của Quận 4 Hồ Chí Minh được đặt bằng các con số nhưng chúng không tuân theo thứ tự. Quận 4 không có phường 5, 7, 11, 12 và 17.

Đặc biệt, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu dân sinh, chính quyền khu vực đã đồng loạt nâng cấp hạ tầng các cơ sở giáo dục, trung tâm thương mại, khu dân cư, các khu căn hộ và khu phức hợp ga tàu,… Quảng trường cùng các công viên cây xanh được xây dựng tại hầu hết các phường trực thuộc, dọc theo bờ kênh Tẻ. Về phần dịch vụ y tế thì chỉ tính riêng các đơn vị khám chữa bệnh công lập, trên địa bàn Quận đã sở hữu đến 13 trạm y tế và 1 Bệnh viện Quận 4 thuộc diện đa khoa.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hiện đặt nhiều trường đại học lớn trên địa bàn Quận 4 Tp. Hồ Chí Minh gồm:

  • Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (số 2 đường Nguyễn Tất Thành, phường 12, Quận 4).
  • Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (số 300A đường Nguyễn Tất Thành, phường 13, Quận 4).
  • Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cơ sở Tôn Thất Thuyết (số 38 đường Tôn Thất Thuyết, phường 16, quận 4).

Một số tiện ích dân sinh khác như cây xăng hoặc khu chợ mua bán nhu yếu phẩm đều nằm ở các vị trí thuận tiện cho người dân di chuyển, sử dụng dịch vụ. Hai cây xăng lớn của Quận nằm tại đường Tôn Thất Thuyết và khu vực Nguyễn Khoái - Bến Vân Đồn. Chỉ tính riêng về chợ thì có thể tham khảo hai khu chợ buôn bán lớn, đầy đủ các mặt hàng thiết yếu là chợ Hãng Phân và chợ Xóm Chiếu.

Về giao thông

Nếu sinh sống tại Quận 4, cư dân cũng có thể dễ dàng kết nối, di chuyển đến các cơ quan hành chính công như UBND Quận 4, Công an Quận 4,… thông qua các trục đường chính như:

  • Đường Nguyễn Tất Thành.
  • Đường Hoàng Diệu.
  • Đường Khánh Hội.
  • Đường Bến Vân Đồn.
  • Đường Tôn Đản.
  • Đường Đoàn Văn Bơ.

Trong tổng số 6 trục đường huyết mạch giao thông nêu trên thì đại lộ Nguyễn Tất Thành là con đường lớn và quan trọng hơn cả. Nguyễn Tất Thành trải dài hơn 2 km kết nối khu vực phía Đông của Quận. 

Một cây cầu tại Bến Vân Đồn, Quận 4
Một cây cầu tại Bến Vân Đồn, Quận 4

Ngoài ra, vì sở hữu đặc điểm địa lý gần sông nước nên các cấp chính quyền đã quy hoạch và tiến hành xây dựng nhiều cây cầu trên khắp địa bàn Quận 4 Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đúng lộ trình thì những cây cầu này sẽ là yếu tố kết nối Quận 4 với nhiều quận lớn khác, phục vụ mục đích giao lưu và phát triển kinh tế nói chung. Trong tương lai, chính quyền Quận mong muốn có thể phát triển theo hướng đưa khu vực trở thành đầu mối giao thương trên cả đường thủy và đường bộ của thành phố.

Về kinh tế

Quận 4 Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang không ngừng hoàn thiện quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của mình. Tính đến nay, chính quyền quận đã huy động đến hơn 20% quỹ đất để quy hoạch thành khu chung cư cao cấp, thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước. Đặc biệt, dự án di dời Cảng Sài Gòn sang địa phận Quận 7 đã hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng. Theo đó khu vực cảng bỏ trống tại Quận 4 đang được Chính phủ xem xét, phê duyệt cấp quyền chuyển đổi thành khu du lịch, tăng cường phát triển kinh tế. 

3. Quận 4 có gì vui?

Hẳn là các bạn độc giả đều đang cho rằng với diện tích nhỏ như vậy thì cũng chỉ có vài khu vui chơi Quận 4 Thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng có một sự thật khá bất ngờ là địa bàn Quận 4 có nhiều địa bàn để các Gen Z “ưa xê dịch” thỏa sức khám phá. Đặc biệt, có nhiều địa điểm thích hợp cho đại gia đình đến tham quan, nghỉ dưỡng vào ngày lễ hoặc dịp cuối tuần. Hãy cùng tìm list địa điểm vui chơi hấp dẫn nhất khu vực Quận 4 nhé!

Bến Nhà Rồng

Địa chỉ: Số 1 đường Nguyễn Tất Thành, phường 12, Quận 4, TP HCM.

Đã có nhiều người bất ngờ khi biết Bến Nhà Rồng thuộc địa phận Quận 4. Địa danh này gắn liền với hành trình đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ vĩ đại nên ngày nay Nhà nước ta đã công nhận là địa danh lịch sử cấp quốc gia. Chính quyền Quận hiện đang vận hành Bến Nhà Rồng như một điểm tham quan dành cho du khách trong nước và quốc tế.

Bến Nhà Rồng nhìn từ trên cao
Bến Nhà Rồng nhìn từ trên cao

Để thả hồn theo sông nước thì kinh nghiệm là các bạn độc giả nên trải nghiệm tuyến xe buýt đường sông nhé. Từ trên xe các bạn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của dòng sông cũng như hàng đoàn thuyền bè đang neo đậu tại hai bên bờ sông nhé!

Phố Bích Họa

Địa chỉ: Hẻm 64 Nguyễn Khoái, phường 2, Quận 4, TP HCM.

Ban đầu phố Bích Họa chỉ là một con hẻm nhỏ trong số rất nhiều con hẻm thuộc Quận 4 Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên người dân sinh sống tại đây đã thực hiện ý tưởng vẽ tranh lên các bức tường chạy dọc con hẻm. Các bức tranh này chủ yếu phản ánh vẻ đẹp quê hương, đất nước cũng như đời sống thường nhật của bà con. 

Một góc khu phố Bích Họa nổi tiếng Quận 4
Một góc khu phố Bích Họa nổi tiếng Quận 4

Không chỉ những bức tường mà về sau các cột điện, bãi đổ rác thải trước kia cũng được các hộ gia đình sống trong hẻm cải tạo, dọn dẹp và trang trí. Từ ngày có những bức bích họa đặc biệt này, con hẻm trở nên văn minh và sạch đẹp hơn hẳn. Người dân và trẻ em sinh sống tại đây cho biết họ rất tự hào vì con hẻm nhà mình. “Tiếng lành đồn xa”, dần dần các khách tham quan và giới trẻ đã lựa chọn địa điểm này thành vị trí check in, “sống ảo” độc, lạ, đầy mới mẻ.

Lưu ý, khi khách tham quan đến phố Bích Họa cần chú ý giữ vệ sinh chung cho con hẻm, không tạo tiếng ồn và vứt rác bừa bãi.

Cầu Mống

Địa chỉ: Số 33 Bến Vân Đồn, phường 7, Quận 4, TP HCM.

Cầu Mống vốn dĩ là cây cầu nối giữa địa bàn Quận 4 và Quận 1. Cầu bắc qua dòng kênh Bến Nghé nổi tiếng và luôn là niềm cảm hứng bất tận cho các nhiếp ảnh gia. Hầu như ngày nào ghé qua cây cầu này chúng ta cũng có thể bắt gặp ít nhất 1 e-kip chụp ảnh sáng hoặc chiều. Trong khi đó tối đến cây cầu như một khu phố đi bộ thu nhỏ với nhiều gánh hàng rong, nhiều món ăn đường phố và là địa điểm tụ tập lý tưởng của các bạn trẻ. 

Cầu Mống Quận 4 TPHCM
Cầu Mống là địa điểm check in quen thuộc của nhiều bạn trẻ

Thành phố hướng nghiệp KizCiti

Địa chỉ: Khu Công viên Khánh Hội, đường Hoàng Diệu, phường 5, Quận 4, TPHCM.

KizCiti là địa điểm vui chơi lý tưởng cho các gia đình có trẻ nhỏ. Nơi này có mức giá tương đối hợp lý, chỉ khoảng 180 000 - 220 000 đồng/vé/trẻ em. Đặc biệt nếu bé dưới 3 tuổi thì sẽ được miễn phí hoàn toàn vé vào cửa.

Bên trong KizCiti là một thành phố thu nhỏ, các bé có thể thỏa sức trải nghiệm các công việc mà bản thân mong muốn trong tương lai như bộ đội, bác sĩ, cô giáo,… Ngoài mô hình hướng nghiệp, địa điểm này còn có các tụ điểm vui chơi giải trí như công viên cây xanh, công viên nước, các trò chơi vận động,…

4. Đến Quận 4 ăn gì?

Quận 4 không chỉ có các địa điểm vui chơi nổi tiếng mà còn sở hữu văn hóa ẩm thực đầy thu hút. Nếu có cơ hội đến với Quận 4 Thành phố Hồ Chí Minh thì chắc chắn đây chính là những món ăn bạn nên thử:

Ăn ốc tại đường Vĩnh Khánh

Vĩnh Khánh là một trong những cung đường nổi tiếng tại địa bàn Quận 4 TPHCM. Tuy đây là một con đường khá nhỏ nhưng tấp nập về đêm bởi các hàng quán chuyên bán ốc. Sự đa dạng của các món ốc tại đây có thể chiều lòng cả những vị khách sành ăn ốc nhất Sài Gòn. 

Phố Ẩm thực Vĩnh Khánh Quận 4 về đêm
Phố Ẩm thực Vĩnh Khánh về đêm

Thông thường các cửa hàng sẽ bắt đầu mở cửa từ 3 giờ chiều và đóng cửa vào khoảng 4 - 5 giờ sáng. Mức giá các món tại đây cũng tương đối phải chăng, thường dao động từ 30 000 - 50 000/đĩa.

Ăn vặt tại khu Chợ 200, Xóm Chiếu

Đã nhắc đến các thiên đường ăn vặt tại Sài Gòn thì khó lòng bỏ qua được khu Chợ 200 của Xóm Chiếu. Các du khách chắc chắn sẽ phải bất ngờ khi đủ thức quà ngon lại tập trung đông đủ cả trên một đoạn đường khá nhỏ và đông đúc. Một số món ăn nhất định bạn nên thử gồm súp cua, chuối chiên, gỏi cuốn, chè miền Nam, phá lấu,...

Mức giá ăn vặt tại đây chỉ ở tầm trung bình thấp, thích hợp cả với các bạn học sinh, sinh viên.

Trải nghiệm ẩm thực đường phố tại Đường 20 Thước

Đường 20 Thước hiện đang nổi lên như khu phố chuyên về ẩm thực của Quận 4 Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều du khách đã lựa chọn ghé thăm con hẻm này để có thể thưởng thức văn hóa ẩm thực đường phố đặc biệt của người Sài Gòn gốc. Nếu như Chợ 200 chủ yếu bán các món ăn vặt thì Đường 20 Thước có thế mạnh về các món mặn. Các bạn độc giả có thể tham khảo các món như bún Thái, gỏi miến vịt, hủ tíu mỳ, bò lá lốt,…

Như vậy, chúng ta đã vừa cùng nhau tìm hiểu về khu vực Quận 4 Thành phố Hồ Chí Minh. Hi vọng các bạn độc giả đã tìm được các thông tin cần thiết thông qua bài viết. Đừng quên tiếp tục theo dõi Batdongsan.com.vn để nhận được nhiều tin tức mới trong thời gian tới nhé!

Hà Linh

Tin liên quan