BĐS Thái Nguyên: Có dễ “bắt đáy” thời Covid?

24/07/2021

BĐS Thái Nguyên: Có dễ “bắt đáy” thời Covid?

Dù những loại hình mới chưa đông đảo nhưng là chỉ dấu về một một thị trường đang phát triển. Thị trường đã có nhu cầu về việc tạo lập những giá trị sống mới với tiêu chuẩn về vật chất và tinh thần ngày một cao. Batdongsan.com.vn đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Đức Ngọc, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Kosy, người có kinh nghiệm phát triển các dự án bất động sản tại Thái Nguyên để có cái nhìn toàn cảnh về diện mạo thị trường này.

- Nếu lấy cột mốc là sau giai đoạn khủng hoảng bất động sản 2009-2013, ông nhìn nhận thế nào về sự phát triển của thị trường BĐS Thái Nguyên trong khoảng 10 năm qua?

Thái Nguyên được xem là trung tâm kinh tế của vùng Đông Bắc và đang thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo tôi, bất động sản Thái Nguyên có sự phát triển bền vững nhờ thế "3 chân kiềng": bất động sản công nghiệp – thương mại – sinh thái. Ba loại hình này ở Thái Nguyên có sự hỗ trợ, bổ sung cho nhau trong việc hút lực cầu từ thị trường.

hình ảnh ông Vũ Đức Ngọc, Giám đốc kinh doanh tập đoàn Kosy

Tuy nhiên, từ năm 2017 đổ về trước, Thái Nguyên chưa chú trọng đến việc thu hút các chủ đầu tư lớn để phát triển các khu đô thị như nhiều tỉnh thành khác. Họ mới chỉ chú trọng đến việc phát triển các khu công nghiệp, các khu đô thị tại các khu công nghiệp. Cơ sở hạ tầng của thành phố cũng chưa phát triển tương xứng tiềm lực kinh tế cũng như mức sống của người dân. Các cơ chế chính sách chưa mang tính chất chiến lược để thu hút các tập đoàn bất động sản với các dự án lớn, đột phá. Hệ quả là ở thời điểm hiện tại, thị trường chưa có nhiều dự án lớn, quy mô được triển khai.

Từ năm 2018 đến nay, thị trường bất động sản Thái Nguyên có những chuyển biến mạnh. Sau hội nghị xúc tiến đầu tư vào Thái Nguyên tổ chức năm 2018 vừa qua, môi trường đầu tư địa phương này có những thay đổi tích cực, nhất là thị trường bất động sản. Thái Nguyên đã thu hút được hơn 46.000 tỷ đồng đầu tư vào tỉnh, trong đó có nhiều dự án được đầu tư vào thị trường bất động sản. Thời gian qua, UBND Thái Nguyên đã phê duyệt rất nhiều dự án bất động sản lớn nhỏ.

Thị trường bất động sản ở đây đang có mức giá thấp hơn các thị trường bất động sản cùng vị trí cũng như tiềm năng. Tuy nhiên, đội ngũ phân phối và phát triển dự án ở đây còn nhỏ lẻ, chưa chuyên nghiệp.

- Sản phẩm BĐS tại Thái Nguyên đã chuyển biến như thế nào trong suốt thời gian qua?

Theo quan sát của tôi, những năm 2017-2018 trở về trước, thành phố chưa triển khai các khu đô thị lớn, hạ tầng chưa được chú trọng phát triển. Thời gian qua, thành phố đã tích cực đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, nâng cao chất lượng quản lý đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, chú trọng quy hoạch và hoàn thiện các khu đô thị mới, chỉnh trang các khu dân cư cũ, giãn dân trong khu vực nội thành, phát triển mạnh quỹ nhà ở…

10 năm trước đến với Thái Nguyên chỉ thấy đô thị phố xá xen lẫn với ruộng vườn, hạ tầng thiếu thốn, quy hoạch chưa đồng bộ thì đến nay, bộ mặt đô thị được quy hoạch bài bản trở nên khang trang, hiện đại hơn trước rất nhiều. Tỷ lệ đô thị hóa của Thái Nguyên tính đến năm 2020 là 36%.

Các loại hình sản phẩm BĐS đã tương đối đa dạng hơn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Sự tăng trưởng kinh tế - xã hội đã đẩy mức sống người dân Thái Nguyên lên một “tầm cao mới”, tiêu chí sở hữu nhà ở của họ cũng trở nên “thăng hạng”, hòa chung với xu hướng của xã hội hiện đại. Các khu đô thị cao cấp, khu đô thị phức hợp nhiều tiện ích được xây dựng đồng bộ, hiện đại.

Trong thời gian tới BĐS Thái Nguyên sẽ có sự vươn mình mạnh mẽ với việc góp mặt của các chủ đầu tư với như Flamingo, Xuân Trường, … với rất nhiều khu đô thị lớn kết hợp du lịch sinh thái phát triển theo hướng từ trung tâm thành phố lên hồ Núi Cốc.

hình ảnh ông Vũ Đức Ngọc, Giám đốc kinh doanh tập đoàn Kosy

- Ông vừa nói về sự xuất hiện của mô hình khu đô thị cao cấp, phức hợp tại thị trường Thái Nguyên. Một số mô hình phức hợp đã khẳng định được giá trị tại các thị trường trọng điểm như Hà Nội, TP. HCM. Vậy với các tỉnh lẻ, một trong những thách thức lớn nhất đối với nhà phát triển dự án bất động sản có phải là việc thay đổi quan niệm của người dân về phong cách sống cũng như quan điểm đầu tư?

Phát triển bất động sản tỉnh lẻ không chỉ là việc nghiên cứu thị trường chung, tiềm năng kinh tế tại khu vực mà còn phải xem xét cả về yếu tố văn hóa, đời sống người dân tại địa phương đó như thế nào, bởi mỗi vùng miền đều có đặc trưng riêng, phong cách sống khác nhau. Đây cũng là thách thức đối với các nhà phát triển BĐS. Xây dựng và phát triển dự án phải dựa trên nhu cầu khách hàng tiềm năng. Như tôi vừa chia sẻ, BĐS Thái Nguyên hiện tại vẫn đang chậm hơn rất nhiều so với các tỉnh khác dù cùng vị trí và tiềm năng. Khi chúng tôi đến Thái Nguyên để phát triển các dự án, thách thức của chúng tôi là phải thay đổi tâm lý khách hàng, thẩm mỹ cũng như suy nghĩ của khách hàng về các khu đô thị phức hợp – nơi quy tụ đầy đủ tiện ích và phát triển đồng bộ quy hoạch.

- Thưa ông, bài toán thu hút cư dân và xây dựng một cộng đồng sống văn minh tại các khu đô thị phức hợp tại thị trường tỉnh chắc không đơn thuần là tiện ích và dịch vụ đi kèm?

Tôi cho rằng phát triển bất động sản phải đảm bảo 2 yếu tố: “vật chất” và “tinh thần”. Vật chất ở đây chính là những dịch vụ, tiện ích để đảm bảo cuộc sống của cư dân. Còn tinh thần là xây dựng phong cách, lối sống. Cư dân sẽ sống như thế nào tại khu đô thị? Đó chính là bài toán cho chủ đầu tư khi phát triển sản phẩm.

hình ảnh ông Vũ Đức Ngọc, Giám đốc kinh doanh tập đoàn Kosy

Tại Thái Nguyên, dù được nhận định là thị trường tiềm năng nhưng bất động sản Thái Nguyên vẫn luôn trong tình trạng "khát" nguồn cung, đặc biệt là những khu đô thị giải trí đáp ứng nhu cầu vui chơi của cư dân. Chỉ vài năm trở lại đây, khi các khu đô thị xuất hiện, những dãy shophouse, trung tâm thương mại mới thay đổi được ít nhiều lối sống của người dân thành phố. Không chỉ là “chỗ ăn, chỗ chơi”, người thành đạt Thái Nguyên còn tìm kiếm những nơi giải trí mới, hay những nơi ở có đầy đủ tiện ích đồng bộ, phục vụ nhu cầu an cư và kinh doanh dài hạn.

- Bất động sản Thái Nguyên đang ra sao trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục bùng phát và diễn biến phức tạp?

Mặc dù dịch Covid tiếp tục tác động lên thị trường BĐS, tuy nhiên Thái Nguyên vẫn được coi là điểm đến đầu tư an toàn. Lý giải cho điều này là do giá đất bình quân ở Thái Nguyên ở mức rất hợp lý và thấp hơn nhiều so với các tỉnh lân cận. So với Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, giá đất tại Thái Nguyên vẫn đang ở mức tốt dành cho các nhà đầu tư, thậm chí tôi cho rằng thấp hơn giá trị thực.

Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh Thái Nguyên cũng thực hiện tốt công tác quản lý đất đai trong vùng quy hoạch, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, thổi giá tạo cơn sốt về giá đất. Thông tin các dự án bất động sản được công khai minh bạch trên hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản của tỉnh. Thái Nguyên có quỹ đất dồi dào, dư địa lớn cùng lợi thế về vị trí nằm tiếp giáp với thủ đô Hà Nội, cơ sở hạ tầng giao thông phát triển. Đây cũng là tỉnh được đánh giá là tỉnh có tốc độ đô thị hoá cao với tỷ lệ đạt 36%. Và do đó, tôi cho rằng đây vẫn là cơ hội của các nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế có thể bắt đáy được thị trường.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Thúy An (thực hiện)

>> "Đầu tư chuyên nghiệp không ai đổ tiền vào đất 5-10 năm"
>
> Tiêu điểm thị trường BĐS tháng 5/2021

Tin liên quan