Xu hướng thiết kế xóa mờ ranh giới giữa kiến trúc và nội thất

08/10/2020

Xu hướng thiết kế xóa mờ ranh giới giữa kiến trúc và nội thất

Kiến trúc thường được định nghĩa là một ngành khoa học và nghệ thuật về tổ chức, sắp xếp không gian và lập hồ sơ thiết kế các công trình xây dựng. Yếu tố vật chất, kỹ thuật trong kiến trúc chính là tính toán sử dụng nguyên vật liệu cho hợp lý, kết cấu và cấu tạo hình khối không gian, phương pháp thi công mà người kiến trúc sư triển khai. Còn đồ nội thất hay vật dụng, thiết bị nội thất - thường được gọi ngắn gọn là nội thất – là từ chỉ những tài sản, vật dụng được sắp đặt, bố trí, trang trí bên trong một căn phòng, ngôi nhà hay cả tòa nhà, nhằm mục đích hỗ trợ cho các hoạt động khác nhau của con người trong công việc, học tập, sinh hoạt, nghỉ ngơi hay giải trí. Các loại nội thất có thể kể đến như bàn, ghế, giường, tủ, giá sách,… Hai khái niệm vốn chỉ có liên quan đến nhau nay đang dần hòa vào làm một với xu hướng thiết kế “lai” giữa kiến trúc và nội thất, giúp định hình không gian ở quy mô kiến trúc nhưng sử dụng ngôn ngữ của thiết kế nội thất. Sự độc đáo, linh hoạt, khả năng thích ứng tốt với nhu cầu đa dạng của người sử dụng là những ưu điểm được đánh giá cao của xu hướng thiết kế này.

Xu hướng thiết kế kết hợp kiến trúc và nội thất để định hình không gian 
Thiết kế “lai” giữa kiến trúc và nội thất định hình không gian ở quy mô kiến trúc nhưng sử dụng ngôn ngữ của thiết kế nội thất.

Một chàng trai và chó cưng chia sẻ không gian sống được thiết kế từ những vật thể  Xu hướng thiết kế này gây ấn tượng nhờ sự độc đáo, linh hoạt, khả năng thích ứng tốt với nhu cầu đa dạng của con người trong cuộc sống hiện đại.

Sự pha trộn giữa kiến trúc và nội thất được thể hiện rõ nhất ở các thành phố lớn. Mật độ dân số tăng, giá nhà đắt đỏ, diện tích nhà ở ngày càng có xu hướng thu hẹp đòi hỏi thiết kế không gian sống phải hướng tới các giải pháp đa năng, linh hoạt hơn. Lúc này, thiết kế kiến trúc và nội thất không tách biệt rạch ròi mà tồn tại song song với những cấu trúc “lai”: những bức tường không đơn thuần chỉ là vách ngăn giữa các phòng mà còn tích hợp chức năng của đồ nội thất như tủ, kệ, bàn ăn, bàn làm việc hay thậm chí là giường. Hơn thế nữa, tường không cố định một chỗ mà có thể di chuyển để mở rộng hoặc chia nhỏ không gian cho phù hợp với các nhu cầu sử dụng khác nhau vào ban ngày hay ban đêm, khi gia chủ ở nhà một mình hay khi đón nhiều khách ghé thăm.

Những bức tường đa năng tích hợp đồ nội thất, có thể di chuyển để điều chỉnh linh hoạt quy mô không gian theo nhu cầu. 
Những bức tường đa năng tích hợp đồ nội thất, có thể di chuyển để điều chỉnh linh hoạt quy mô không gian theo nhu cầu.

Tường kết hợp bàn ăn, tủ, kệ đựng đồ trong không gian nhà chật  
Tường không chỉ là vách ngăn phân chia không gian mà còn có thể tích hợp với bàn ăn, tủ, kệ đựng đồ trong không gian nhà chật 

Hơn cả chức năng của đồ nội thất thông thường, các thiết kế này tham gia vào việc định hình không gian như một yếu tố kiến trúc. 
Vượt qua chức năng của đồ nội thất thông thường, các thiết kế này tham gia vào việc định hình không gian như một yếu tố kiến trúc.

Từ thập niên 70 của thế kỷ trước, nhà thiết kế nội thất người Ý Joe Colombo đã dự đoán xu hướng của tương lai là kết hợp tất cả các chức năng của một ngôi nhà thành một thiết bị phức hợp duy nhất, giống như một "cỗ máy sinh hoạt" với giường, nhà bếp và phòng tắm được ghép vào nhau thành không gian khép kín. Xuất phát từ ý tưởng này, các kiến trúc sư và chuyên gia thiết kế đã phát triển thêm nhiều mô hình thiết kế căn hộ siêu nhỏ, trong đó các yếu tố kiến trúc và nội thất hòa trộn vào nhau, không còn sự phân biệt rõ ràng.  

Mô hình căn hộ siêu nhỏ nhưng có đầy đủ chức năng, khép kín trong một khối thống nhất nhờ khéo léo kết hợp kiến trúc và nội thất. 
Mô hình căn hộ siêu nhỏ nhưng có đầy đủ chức năng, khép kín trong một khối thống nhất nhờ khéo léo kết hợp kiến trúc và nội thất.

Xu hướng thiết kế kết hợp kiến trúc và nội thất cho thấy sự phức tạp, quy mô và yêu cầu ngày càng tăng đối với đồ nội thất cũng như tính linh hoạt trong không gian kiến trúc đương đại. Đồng thời, việc xóa nhòa ranh giới giữa hai khái niệm này cũng thể hiện tính sáng tạo, khả năng thích nghi của con người trong điều kiện không gian sống bị thu hẹp.

Lan Chi

>> 5 xu hướng thiết kế nội thất đã lỗi thời và phương án thay thế cho năm 2020
>> Học cách dùng màu sắc để thay đổi cảm nhận về không gian nội thất

Tin liên quan