11 vật dụng cực bẩn trong nhà thường bị bỏ quên khi dọn dẹp

27/02/2022

11 vật dụng cực bẩn trong nhà thường bị bỏ quên khi dọn dẹp

Những khu vực nhất định trong nhà như sàn nhà hay mặt bàn bếp nếu bẩn sẽ hiển hiện trước mắt nên tất nhiên thường được ưu tiên làm sạch. Tuy nhiên, cũng có những vật dụng, vị trí lại thường bị bỏ quên trong quá trình vệ sinh nhà cửa tạo điều kiện cho bụi bẩn tích tụ, vi khuẩn, vi trùng sinh sôi. Dù cho bạn siêng năng lau chùi, dọn dẹp nhà cửa hàng tuần thì ngôi nhà vẫn chưa thực sự sạch sẽ cho đến khi chúng ta xóa sổ hoàn toàn bụi bẩn, nấm mốc, vi trùng trên các vật dụng này.

Để giúp bảo vệ sức khỏe và sự an toàn cho gia đình, hãy bắt đầu chú ý đến 11 vật dụng và vị trí mà chúng ta vẫn thường bỏ quên khi vệ sinh nhà cửa dưới đây.

1. Tay nắm tủ bếp

Chúng ta chạm vào tay nắm tủ bếp, tay nắm tủ lạnh rất nhiều lần trong suốt quá trình nấu nướng. Vì thế, đây được coi là một trong những vị trí bẩn nhất trong bếp và nếu không được lau chùi sạch sẽ, nó sẽ trở thành nơi lý tưởng để vi khuẩn, vi trùng sinh sôi, nảy nở. Hãy dọn dẹp, lau chùi tay nắm tủ bếp, tủ lạnh ngay sau khi chạm tay bẩn vào hoặc ít nhất một lần mỗi tuần với vải và thuốc xịt khử trùng hoặc hỗn hợp giấm và nước nóng theo tỷ lệ 1:1.

2. Hộp đựng bàn chải đánh răng

Chúng ta ít khi nhìn vào hộp đựng đũa nên quên mất rằng bên trong đó cũng không sạch sẽ lắm sau một thời gian dài sử dụng. Hãy lưu tâm đến vật dụng này và rửa sạch nó bằng hỗn hợp nước nóng + dầu rửa bát, thậm chí, hàng tuần, bạn có thể cho hộp đựng bàn chải đánh răng vào trong máy rửa bát để làm sạch kỳ càng hơn. Ngoài ra, đừng quên vệ sinh bàn chải đánh răng thường xuyên, nhất là trong mùa cúm đang hoành hành bằng cách “luộc” bàn chải trong nước sôi khoảng 2-3 phút.

3. Phụ kiện máy tính

Nếu bạn thường xuyên bị ho, hắt xì hay sổ mũi khi ngồi làm việc trước máy tính thì thủ phạm rất có thể là do bụi bẩn, vi khuẩn ẩn nấu trên bàn phím, chuột máy tính. Để vệ sinh bàn làm việc và đồ dùng văn phòng, hãy sử dụng khăn lau khử trùng loại bỏ vi khuẩn, ngăn ngừa nấm mốc lan nhanh trong phòng. Ngoài ra, bạn có thể tháo rời bàn phím và chuột, sau đó dùng bàn chải đánh răng lông mềm nhúng vào nước xà phòng và chà nhẹ lên bề mặt của chúng.

4. Miếng lót bàn ăn

Tấm lót bàn ăn rất hữu ích, nó vừa giúp giữ sạch mặt bàn, chống trượt, tránh bát đĩa bị xê dịch lại có giá trị trang trí bàn ăn. Tuy nhiên, tấm lót bàn ăn cũng rất dễ bắt bẩn. Miếng lót bàn ăn làm từ nhựa hoặc vinyl có thể được làm sạch với hỗn hợp nước ấm + nước rửa chén bát, sau đó để khô hoàn toàn. Với miếng lót bằng vải, bạn có thể cho vào trong máy giặt quần áo, còn với miếng lót bàn ăn có thêu họa tiết thì phương án tốt nhất là giặt tay.

5. Tay vịn cầu thang và núm cửa

Ngăn ngừa nguy cơ bệnh tật cho các thành viên trong gia đình, nhất là trẻ nhỏ bằng cách thường xuyên lau chùi tay vịn cầu thang và tay nắm cửa. Cách làm cực kỳ đơn giản, chỉ cần sử dụng một miếng vải mềm được làm ẩm với hỗn hợp nước ấm + giấm hoặc nước ấm + nước rửa bát để chà nhẹ, sau đó sử dụng vải mềm để lau khô.

6. Công tắc đèn

Chúng ta chạm tay vào công tắc đèn vài lần mỗi ngày và đây cũng là một trong những vị trí thường bị bỏ quên trong mỗi dịp dọn nhà. Vì thế, hãy hình thành thói quen lau công tắc ít nhất một lần mỗi tuần để hạn chế bụi bẩn tích tụ. Bạn có thể sử dụng dung dịch khử khuẩn hoặc một miếng vải ẩm nhúng trong hỗn hợp nước nóng + giấm để làm sạch công tắc bóng đèn. Cuối cùng, lau khô lại bằng vải mềm.

7. Túi đi chợ tái sử dụng nhiều lần

Túi đi chợ tái sử dụng nhiều lần cho phép chúng ta đựng được nhiều thực phẩm hơn và còn giúp bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, chúng rất dễ có mùi hôi, dễ bám bụi bẩn và trở thành hang ổ cho vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi nếu không được giặt sạch thường xuyên. Bạn nên giặt túi thường xuyên hoặc đầu tư vào loại túi đi chợ làm từ chất liệu có thể dễ dàng lau chùi khi bụi bẩn.

8. Khay làm đá

Ít ai biết rằng, khay làm đá cũng là một trong những vật dụng rất bẩn do hấp thụ mùi và vi khuẩn từ thực phẩm trong ngăn đông. Vì thế, nếu quan tâm đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình, bạn sẽ cần làm sạch khay đá thường xuyên hơn. Mỗi khi khay hết đá, hãy ngâm khay trong dung dịch nước nóng + nước rửa chén bát, sau đó rửa sạch. Hoặc bạn cũng có thể đặt khay ở giá trên cùng trong máy rửa bát.

9. Bình nước

Cách dễ dàng nhất để vệ sinh bình đựng nước là ngâm nó trong hỗn hợp nước ấm + nước rửa chén bát khoảng 10 phút. Sau đó dùng bàn chải cọ rửa kỹ càng cả bên trong và bên ngoài bình. Cuối cùng, rửa lại với nước sạch và để khô ráo.

10. Vòi nước

Vòi nước phòng bếp, vòi nước phòng tắm là những thứ bẩn nhất thường bị bỏ quên. Vòi nước phòng tắm thường chứa vi khuẩn E. coli và các vi khuẩn phân khác, cùng với nấm mốc, nấm men. Hơi ấm và độ ẩm của phòng tắm càng tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển. Tương tự, vòi nước ở bếp cũng bẩn không kém do tần suất sử dụng nhiều và có nhiều người chạm tay vào. Đặc biệt, với vòi nước phòng bếp thì ngoài vi khuẩn trên da còn có các chất gây ô nhiễm thực phẩm từ đồ sống. Bạn cần chùi rửa vòi nước hàng ngày với nước xà phòng ấm để loại bỏ tất cả vi khuẩn.

11. Giẻ rửa bát và bàn chải cọ rửa

Thật đáng sợ khi thứ được dùng để làm sạch bát đĩa, xoong nồi lại chứa tới hàng tỷ vi khuẩn, thậm chí còn bẩn hơn rất nhiều so với các vật dụng trong nhà khác. Đặc biệt, giẻ rửa bát hay miếng bọt biển còn chứa một lượng lớn vi khuẩn E. coli gây tiêu chảy nếu không được thay thế thường xuyên. Các gia đình nên giặt, vệ sinh giẻ rửa bát, bàn chải cọ rửa trong nước nóng hoặc giấm 1 lần mỗi tuần và nên thay mới chúng thường xuyên.

Khánh An (tổng hợp)

>> Lau dọn, vệ sinh nhà cửa thế nào để phòng chống dịch cúm corona?

Tin liên quan