Tam giác hữu dụng trong thiết kế bếp

13/11/2021

Tam giác hữu dụng trong thiết kế bếp

Khái niệm và nguồn gốc ra đời

Tam giác hữu dụng (work triangle) còn được gọi là tam giác làm việc, tam giác bếp, là thuật ngữ kinh điển trong ngành thiết kế nội thất, sử dụng để xác định các bố trí bếp sao cho hiệu quả về công năng và thẩm mỹ. Khái niệm này hình thành và phát triển vào đầu thế kỷ 20, cũng là thời kỳ bùng nổ xu hướng thiết kế nội thất hiện đại. Từ những năm 1920, nhà tâm lý học và kỹ sư công nghiệp Lillian Moller Gilbreth (người Mỹ) đã hợp tác cùng công ty Khí đốt Brooklyn Borough tiến hành các cuộc nghiên cứu nhằm tối ưu hóa bố cục bếp. Đến năm 1929, Lillian đã công bố những ý tưởng sơ khai nhất về nguyên tắc bố trí bếp dựa trên nghiên cứu về cách tối ưu chuyển động áp dụng cho bố cục bếp chữ L tại triển lãm Phụ nữ. Theo đó, các nhiệm vụ chính trong nhà bếp gia đình được thực hiện tại 3 khu vực là nấu nướng (bếp nấu), chuẩn bị (chậu rửa) và lưu trữ thực phẩm (tủ lạnh). Ba điểm này và các đường tưởng tượng nối chúng hình thành nên tam giác hữu dụng. Ban đầu, Lillian sử dụng thuật ngữ “định tuyến tròn” để chỉ các đường tưởng tượng nối 3 vị trí trên mà sau này chính là tam giác hữu dụng trong bếp như chúng ta biết ngày nay.

tam giác hữu dụng
Các vị trí đặt tủ lạnh - chậu rửa - bếp nấu hình thành nên tam giác hữu dụng

Ý nghĩa của giác hữu dụng

Ý nghĩa của tam giác hữu dụng là việc sắp xếp vị trí của tủ lạnh, chậu rửa và bếp nấu gần nhau một cách hợp lý, không quá gần nhưng cũng không quá xa nhằm giảm thiểu thời gian nấu nướng, tối ưu các bước di chuyển trong bếp của người nội trợ. Bởi trên thực tế, 3 vị trí trên nếu quá gần nhau sẽ khiến không gian nấu nướng trở nên chật hẹp, người đứng bếp sẽ gặp khó khăn khi thao tác, còn nếu xa nhau quá thì sẽ khiến người nội trợ mất nhiều thời gian và công sức di chuyển. Một khi đã xác định được vị trí của tủ lạnh, chậu rửa, bếp nấu thì những thiết bị, dụng cụ còn lại sẽ được phân phối theo vị trí của các đồ dùng trên.

Nội dung của nguyên tắc tam giác hữu dụng

Theo nguyên tắc tam giác hữu dụng, khoảng cách từ tủ lạnh, bồn rửa, bếp nấu cần đảm bảo các tiêu chí sau:

  • Không có cạnh nào của tam giác ngắn hơn 1,2m nhưng cũng không dài quá 2,7m.
  • Tổng chiều dài 3 cạnh của tam giác nằm trong khoảng từ 4,0 đến 7,9m bởi những căn bếp có chu vi tam giác hữu dụng nhỏ hơn 4,0m thường quá nhỏ và chật chội, trong khi những căn bếp có chu vi tam giác hữu dụng lớn hơn 7,9m lại khiến người nội trợ phải di chuyển quá nhiều giữa các khu vực, gây tốn thời gian và công sức.
  • Không đặt tủ bếp hay các chướng ngại vật khác chặn bất cứ cạnh nào của tam giác quá 30cm.

chướng ngại vật
Chướng ngại vật trên cạnh của tam giác hữu dụng gây cản trở luồng lưu thông trong bếp.

  • Hạn chế việc mở lối lưu thông cắt ngang qua bất cứ cạnh nào của tam giác.
  • Chướng ngại vật lớn như tủ bếp, kệ đựng đồ không được nằm giữa hai điểm bất kỳ của tam giác.

Tam giác hữu dụng trong các bố cục bếp khác nhau

Dù là bố cục bếp chữ I, song song, chữ L, chữ U, G hay bếp kết hợp đảo thì đều phải đảm bảo nguyên tắc tam giác hữu dụng sao cho vị trí của các khu vực đặt tủ lạnh, chậu rửa, bếp nấu hợp lý, giúp người nội trợ cảm thấy thuận tiện, tiết kiệm thời gian và thao tác không cần thiết.

tam giác hữu dụng trong các kiểu tủ bếp
Tam giác hữu dụng trong các bố cục bếp khác nhau.

Chúng ta đều biết, nguyên tắc tam giác hữu dụng hình thành từ những năm đầu của thế kỷ trước. Khi đó, không gian phòng bếp còn tương đối nhỏ, chủ yếu phục vụ cho một người nội trợ sửa soạn, nấu nướng bữa ăn cho gia đình. Mặt khác, nguyên tắc này cũng giả định rằng một không gian bếp chỉ có 3 khu vực hoạt động chính là khu vực lưu trữ, khu vực sơ chế và khu vực nấu nướng. Trong khi đó, diện tích phòng bếp hiện nay ngày càng lớn hơn, đồng thời xuất hiện thêm nhiều thiết bị hiện đại như lò vi sóng, máy rửa bát... Với nhiều gia đình, nhiệm vụ nấu nướng có thể được chia sẻ cho 2, 3 người cùng lúc. Vì vậy, quy tắc tam giác hữu dụng không nhất thiết phải bó buộc ở một con số cố định mà phải cân nhắc đến kết cấu phòng bếp cũng như thói quen sinh hoạt của gia đình.

Ngoài quy tắc tam giác hữu dụng, khi thiết kế phòng bếp gia đình, bạn cũng cần lưu ý những điều sau:

  • Khoảng cách từ bếp nấu đến bồn rửa tối thiểu là 60cm để đảm bảo nước từ bồn rửa không văng bắn vào bếp trong quá trình chúng ta rửa bát, rửa thực phẩm. Khoảng cách này cũng là không gian đệm để đặt nồi, chảo… trước khi cho lên bếp.
  • Tủ lạnh và bồn rửa cần cách nhau một khoảng nhất định để đặt rổ, rá, hộp đựng thực phẩm, rau củ lấy ra từ tủ lạnh.
  • Chỗ đặt tủ lạnh cần rộng ít nhất 65m bởi loại tủ lạnh 1 cánh có bề rộng tối đa 60cm, tủ lạnh 2 cánh có bề rộng 1m.
  • Tủ lạnh 1 cánh thường có hướng mở từ trái qua phải. Bạn cần lưu ý điều này để bố trí dây chuyền thao tác trong bếp là tủ lạnh – chậu rửa – bếp nấu theo chiều từ phải qua trái. Nếu bắt đầu từ trái qua thì khi đưa thực phẩm từ tủ lạnh ra chậu rửa sẽ bị vướng vào cánh tủ lạnh đang mở.
  • Khoảng cách giữa bếp và tường hoặc giữa 2 bên bàn bếp ít nhất là 90cm để có thể đi lại thuận tiện.

Dù đã xuất hiện cách đây khoảng một thế kỷ, nguyên tắc tam giác hữu dụng vẫn được các kiến trúc sư, các chuyên gia nội thất ứng dụng một cách khéo léo và linh hoạt, giúp căn bếp được sắp xếp một cách khoa học và thuận tiện nhất cho quá trình sử dụng.

Khánh An (tổng hợp)

>> Những ý tưởng thiết kế ấn tượng cho phòng bếp tông trắng

Tin liên quan