Nổi tiếng và đắt đỏ, 12 kiến trúc này vẫn bị bỏ hoang suốt nhiều năm qua

16/12/2019

Nổi tiếng và đắt đỏ, 12 kiến trúc này vẫn bị bỏ hoang suốt nhiều năm qua

Những công trình kiến trúc nổi tiếng trên thế giới như cụm nhà thi đấu Olympic tại Brazil và công viên giải trí lớn nhất châu Á, đều đang bị bỏ hoang do gặp vấn đề tài chính, vận hành sai cách, chiến tranh, hay thậm chí là thảm họa hạt nhân.

Dưới đây là 12 những công trình kiến trúc tiêu biểu từng đắt giá một thời, nay đều đang trong tình trạng bỏ không, thậm chí đổ nát.

1. Sân bay quốc tế Hellenikon ở Hy Lạp

Sân bay quốc tế Hellenikon tại Hy Lạp từng là sân bay lớn nhất của thành phố Athens với khả năng phục vụ hơn 12 triệu khách mỗi năm. Vào năm 2001, sân bay Hellenikon đóng cửa, bị thay thế bởi sân bay quốc tế Athens và bỏ không từ đó.

Các kế hoạch phát triển sân bay được đưa ra trước đó đã không khả thi, tuy nhiên, nhóm các chủ đầu tư hứa hẹn sẽ chuyển đổi sân bay bỏ hoang này thành khu đô thị mới, gồm khu dân cư, khách sạn, trung tâm mua sắm, công viên giải trí, bảo tàng, sân thể thao... Kế hoạch dự kiến được triển khai từ năm 2019.

quang cảnh hỗn độn bên trong sân bay Hellenikon  
Sân bay bị bỏ hoang Hellenikon tại Hy Lạp. Ảnh: Getty Images

2. Công viên giải trí Pripyat ở Ukraina

Công viên giải trí Pripyat ở Ukraine vốn được dự kiến khai trương vào ngày 01 tháng 5 năm 1986 nhưng kế hoạch này bị hủy bỏ do thảm họa hạt nhân Chernoby xảy ra vào ngày 26 tháng 4 cùng năm.

chiếc đu quay và vòng quay mặt trời bị hư hỏng nặng trong công viên 
Công viên giải trí Pripyat ở Ukraina. Ảnh: Shutterstock/Kateryna Upit

Một số báo cáo nói rằng công viên đã được mở một thời gian ngắn cho người dân thị trấn vào ngày 27 tháng 4 khi lệnh di tản được ban hành.

Theo một thông tin khác, người ta đo được mức độ phóng xạ khác nhau tại các địa điểm khác nhau trong công viên, đặc biệt, khu vực dưới vòng quay Ferris có mức độ phóng xạ cao nhất.

3. Sân vận động Aquatics ở Rio de Janeiro

Sân vận động Aquatics được xây dựng phục vụ Thế vận hội Olympic 2016 ở Rio de Janeiro, Brazil, hiện đang trong tình trạng hư hỏng nặng. Chẳng ai có thể ngờ được những bể nước bẩn này từng là nơi các vận động viên Olympic thi đấu.

những vũng nước lớn, bẩn thỉu trong sân vận động 
Ảnh chụp sân vận động Olympic Aquatics ở Rio de Janeiro vào tháng 2 năm 2017. Ảnh: Reuters

Thành phố Rio đã chi khoảng 13 tỷ USD cho Thế vận hội, vậy mà một vài khu thi đấu được xây dựng hiện đã bắt đầu xuống cấp và hư hỏng nặng.

4. Khách sạn Ryugyong ở Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên

Khách sạn Ryugyong, tòa nhà mang dáng dấp kim tự tháp tại Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên được xây dựng từ những năm 1980 nhưng nay cũng rơi vào tình trạng “vườn không nhà trống”.

ảnh chụp khách sạn Ryugyong giữa nhiều tòa nhà khác 
Khách sạn Ryugyong ở Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Với 105 tầng, khách sạn Ryugyong lọt vào danh sách những tòa nhà cao nhất trên thế giới. Nhưng kể từ khi việc xây dựng bị bỏ dở từ năm 2009 do các vấn đề kỹ thuật và thiếu vốn, nó trở thành tòa nhà “hoang” cao nhất trên thế giới. Độ cao đo được của khách sạn Ryugyong là 330m với chi phí xây dựng ước tính lên đến 583,7 triệu USD.

Có nhiều tin đồn rằng tòa nhà sẽ được hoàn thiện và sử dụng nhân dịp kỷ niệm quốc khánh 70 năm của Triều Tiên, song, tòa nhà vẫn đang bị bỏ không tính đến thời điểm này.

5. Công viên giải trí Wonderland tại Bắc Kinh, Trung Quốc

Nằm trong vùng ngoại ô cách thành phố Bắc Kinh 20 dặm là công viên giải trí có diện tích 48 ha – Công viên Wonderland. Việc xây dựng khu vui chơi này bị dừng từ năm 1998 do vấn đề tài chính. Đến năm 2008, công viên được tiếp tục hoàn thiện trong khoảng thời gian ngắn song tiếp tục phải dừng lại.

Với diện tích kể trên, Wonderland là công viên giải trí lớn nhất châu Á. Đáng tiếc là đến nay, dự án này vẫn còn dang dở. Tính đến năm 2013, phần lớn diện tích công viên, bao gồm cả khu vực pháo đài mang phong cách trung cổ đều đã bị phá hủy.

pháo đài Disney 
Pháo đài Disney, một trong số ít các kiến trúc còn sót lại của khu vui chơi, nay được những người nông dân địa phương tận dụng để trồng trọt, chăn nuôi. Ảnh: Reuters

6. Thành phố San-Zhi Pod tại Đài Loan

Những căn nhà mang hình thù kỳ quái tại thành phố San-Zhi Pod của Đài Loan được xây dựng từ những năm 1970 như một khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển mang phong cách Futuristic cho những người giàu có.

Những căn nhà mang hình dáng đĩa bay với tông màu tươi sáng này có lẽ sẽ chẳng bao giờ được hoàn thiện do thiếu kinh phí xây dựng cùng hàng loạt vụ tai nạn lao động xảy ra trong quá trình thi công.

tòa nhà kỳ dị hình đĩa bay 
Thành phố San-Zhi Pod tại Đài Loan. Ảnh: Chao-Wei Juan

Bất chấp những lời đồn về việc bị phá bỏ hoàn toàn, những chiếc đĩa bay sặc sỡ sắc màu này vẫn tồn tại đến nay.

7. Đảo Hashima tại Nhật Bản

Hòn đảo Hashima tại Nhật Bản, hay còn được gọi với biệt danh “Đảo chiến hạm”, từng là một trong những khu vực đông dân nhất trên thế giới lại bị bỏ hoang từ giữa những năm 1970.

những ngôi nhà đổ nát trên đảo Hashima  
Đảo Hashima tại Nhật Bản. Ảnh: Shutterstock/Sean Pavone

Hòn đảo được biết đến với các mỏ than lớn dưới đáy biển sinh lợi. Tính đến năm 1959, hòn đảo có hơn 5.000 cư dân, chủ yếu là công nhân mỏ và gia đình họ.

Nhưng khi các mỏ than bị đóng cửa vào năm 1974, người dân lần lượt rời đi, biến Hashima thành một hòn đảo hoang. Đến nay, hòn đảo chỉ thỉnh thoảng được viếng thăm bởi các đoàn khách du lịch thắng cảnh.

8. Khách sạn Haludovo Palace trên đảo Krk của Croatia

Khách sạn Haludovo Palace trên đảo Krk của Croatia là một điểm nghỉ dưỡng cao cấp trong những năm 1970 và 1980. Associated Press, một hãng tin phi lợi nhuận của Mỹ, từng nhận xét về khách sạn Haludovo rằng nơi đây là “một thiên đường của sự thăng hoa cực độ cho những người đi nghỉ mát cao cấp ở vùng Biển Adriatic".

tòa nhà bị bỏ hoang 
Khách sạn Haludovo Palace trên đảo Krk của Croatia. Ảnh: AP Images

Khách sạn đạt đến thời kỳ hoàng kim khi ông chủ một tạp chí giàu có đầu tư 45 triệu USD và đổi tên nơi đây thành Sòng bạc Penthouse Adriatic Club một năm sau khi được khai trương.

Đáng buồn thay, khi chiến tranh nổ ra tại Nam Tư (quốc gia gồm 4 nước Slovenia, Croatia, Macedonia, Liên bang Bosna và Hercegovina) vào những năm 1990, khách sạn đã phải ngừng hoạt động. Khu nghỉ mát xa hoa bị bỏ hoang từ đó đến nay.

9. Khách sạn Lee Plaza tại Detroit

Tòa nhà Lee Plaza tại Detroit được xây dựng vào năm 1927 là một khách sạn cao cấp với đầy đủ tiện nghi, từ nhân viên giữ cửa tới phục vụ phòng. Tòa kiến trúc nghệ thuật này đã trải qua nhiều thăng trầm, biến cố về tài chính và pháp lý trong suốt những năm qua, đáng kể nhất là cuộc Đại suy thoái những năm 1929 – 1939.

bên ngoài tòa nhà cao tầng Lee Plaza tại Detroit 
Khách sạn Lee Plaza tại Detroit. Ảnh: Flickr/Christa Lohman

Khách sạn sang trọng một thời này đã chính thức đóng cửa vào năm 1997 sau khi được chuyển đổi thành nhà ở cho người thu nhập thấp. Từ đó đến nay, kiến trúc tòa nhà ngày càng xuống cấp. Hiện tại, thành phố Detroit vẫn đang tìm kiếm các chủ đầu tư tiềm năng nhằm sửa chữa lại tòa nhà mang tính lịch sử này.

Thành phố đã từ chối ba hồ sơ dự thầu vào năm 2018 và đang cân nhắc chấp nhận các đề xuất mới kể từ tháng 8. Một dự án trị giá 400.000 USD đang được tiến hành trong thời gian này với mục đích chính là dỡ bỏ những khung cửa sổ cũ cùng amiăng và chì trong tòa nhà.

10. Sòng bạc Constanta ở Romania

Sòng bạc Constanta từng được coi là “Monte Carlo” (tên một sòng bạc ở Monaco) của Romania, nơi tiếp đón những khách du lịch giàu có và tổ chức những bữa tiệc hoàng gia sang trọng.

bên ngoài sòng bạc Constanta ở Romania 
Sòng bạc Constanta ở Romania. Ảnh: Shutterstock/Alex Tene

Tòa kiến trúc mang phong cách Art Nouveau này được xây dựng vào khoảng những năm 1900 theo ủy quyền của Vua Carol I và mở cửa cho công chúng như một sòng bạc vào năm 1910. Tòa nhà đã "sống sót" sau các vụ đánh bom từ cả hai cuộc chiến tranh thế giới.

Sòng bạc đóng cửa vào năm 1990 do phí duy tu, bảo trì quá cao. Theo tạp chí Business Review của Romania, phần mái vòm của sòng bạc Constanta đang có nguy cơ bị sập do cấu trúc lõi sắt bị gỉ sét và xuống cấp. Hơn nữa, cửa sổ kính hướng biển của tòa nhà cũng rơi vào tình trạng nứt vỡ do những trận bão và gió biển.

11. Ngôi nhà hình mái vòm bên bờ biển đảo Marco, Florida

Cũng trong danh sách những căn nhà hoang nổi tiếng là căn biệt thự mái vòm mang phong cách Futuristic bên bờ biển đảo Marco, Florida. Căn nhà này được xây dựng từ đầu những năm 1980 bởi một nhà cung cấp dầu nhằm mục đích nghỉ dưỡng.

Các mái vòm của tòa nhà được đỡ bởi các cột bê tông và liên kết với nhau tạo nên không gian sống gồm ba phòng ngủ, ba phòng tắm, rộng 223 mét vuông. Tòa nhà cũng được trang bị các tấm pin mặt trời và một bể chứa nước mưa.

Tòa nhà vốn được xây dựng bên bờ biển nhưng sự xói mòn tự nhiên đã đẩy nó ra ngoài xa, cách bờ biển 20 mét. Căn nhà bị bỏ hoang từ những năm 2000 do sự tàn phá từ các trận bão và chi phí sửa chữa cao.

nhà hình mái vòm bên bờ biển 
Ngôi nhà hình mái vòm bên bờ biển đảo Marco, Florida. Ảnh: Dennis Saxer/Getty Images

12. Công viên nước Disney River Country tại Walt Disney World ở Quận Cam, Florida

Disney River Country là công viên nước đầu tiên được xây dựng tại Thế giới Walt Disney ở Quận Cam, Florida. Nó được mở cửa vào năm 1976 và đóng cửa vào năm 2001 do ít khách hơn so với hai công viên nước Disney mới.

khung cảnh bên trong công viên nước Disney River Country 
Công viên nước Disney River Country tại Walt Disney World ở Quận Cam, Florida. Ảnh: Seph Lawless

Dây leo, gỉ sét và bụi bặm lắng đọng theo năm tháng mạng lại cho công viên một khung cảnh kì lạ. Bức ảnh trên được chụp bởi nhiếp ảnh gia Seph Lawless vào năm 2016 đã cho thấy rõ điều đó.

Vào tháng 8, Walt Disney World Resort thông báo rằng họ đang xây dựng một khách sạn mới trong khuôn viên với quy mô 900 phòng. Việc phá dỡ và xây dựng hiện đang được tiến hành và nhà nghỉ ven hồ mới của Disney dự kiến sẽ mở cửa vào năm 2022.

Hoài Thơm

Link báo gốc: http://thanhnienviet.vn/2019/12/16/noi-tieng-va-dat-do-12-kien-truc-nay-van-bi-bo-hoang-suot-nhieu-nam-qua

Tin liên quan