Né bất ổn chính trị, người giàu Hồng Kông đua nhau sang London “săn” nhà

19/03/2021

Né bất ổn chính trị, người giàu Hồng Kông đua nhau sang London “săn” nhà

Đặc khu hành chính Hồng Kông bắt đầu trải qua tình trạng bất ổn vào mùa xuân năm 2019 - khi các cuộc biểu tình quy mô lớn nổ ra nhằm chống lại dự luật dẫn độ sang Trung Quốc đại lục. Dù dự luật này cuối cùng đã được rút lại, các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ vẫn tiếp diễn mạnh mẽ. Tháng 6/2020, Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia mới, làm giảm quyền tự trị của Hồng Kông và kéo theo hàng loạt các vụ bắt giữ người biểu tình, nhà hoạt động vì dân chủ. Tương lai chính trị đầy bất ổn khiến người dân Hồng Kông cảm thấy lo lắng. Nhiều người, đặc biệt là giới nhà giàu, đã quyết định di cư để bảo đảm an toàn và tài sản.

Chính phủ Vương quốc Anh gọi luật an ninh mới này là “sự vi phạm rõ ràng và nghiêm trọng” Tuyên bố chung Trung-Anh - theo đó Trung Quốc phải tôn trọng sự độc lập hợp pháp của Hồng Kông cho đến năm 2047. Anh đã công bố một hệ thống thị thực mới có tên là BN (O), cho phép hàng triệu người Hồng Kông đến sống và làm việc ở xứ sở sương mù.

Chính phủ Anh ước tính khoảng 5,4 triệu cư dân Hồng Kông - tương đương với 72% dân số - đủ điều kiện xin cấp thị thực BN (O) và khoảng 300.000 người dự kiến sẽ theo đuổi con đường di cư này trong 5 năm tới.

Né bất ổn chính trị, người giàu Hồng Kông đua nhau sang London “săn” nhà
Căn "siêu biệt thự" rộng 5.800m2 ở London được tỷ phú bất động sản Hồng Kông Cheung Chung-kiu mua với giá 200 triệu bảng đầu năm 2020. Ảnh: AFP 

Arthur Sarkisian, Giám đốc điều hành công ty đầu tư nhập cư Astons, nhận định: “Trong khi nhiều điểm đến trên toàn cầu thể hiện sức hút mạnh mẽ, thị trường bất động sản Anh cung cấp một nơi trú ẩn an toàn, ổn định và giàu tiềm năng tăng trưởng.”

Năm 2020 đã chứng kiến một sự gia tăng mạnh mẽ về mức độ quan tâm đến bất động sản London từ dân Hồng Kông. Theo Astons, người Hồng Kông là nhóm khách mua nước ngoài lớn thứ hai ở vùng trung tâm thủ đô London trong ba quý đầu năm 2020. Họ chiếm 9,2% giao dịch mua bất động sản của người nước ngoài và chi khoảng 305,5 triệu bảng cho 243 giao dịch, tương đương khoảng 1,19 triệu bảng (1,67 triệu USD) cho mỗi bất động sản.

Trong quý 4/2020, đại lý bất động sản Benham&Reeves ghi nhận nhu cầu mua nhà đất của khách Hồng Kông tăng 63% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số mức độ quan tâm đến bất động sản London liên tục tăng nhanh, lên tới 73% vào tháng 1/2021. Đến tháng 2 vừa qua, nhu cầu mua nhà đất London đã tăng vọt lên 200%.  

Theo Benham&Reeves, đại đa số người Hồng Kông quan tâm đến thị trường London đang tìm mua nhà ở với kế hoạch định cư lâu dài. Bên cạnh đó, một số người muốn chuyển địa điểm kinh doanh bày tỏ sự quan tâm đến bất động sản thương mại. Tuy nhiên, nhu cầu mua bất động sản London tăng đột biến cũng có thể liên quan đến chính sách tăng thuế tem đối với người mua nước ngoài sẽ có hiệu lực vào tháng 4 tới.

Marc von Grundherr, Giám đốc Benham&Reeves, cho biết hầu hết khách hàng Hồng Kông của đại lý này là các cặp vợ chồng có 1-2 con, đang tìm kiếm căn hộ hai phòng ngủ, giá khoảng 500.000 bảng. Cá biệt có một số yêu cầu tìm mua nhà với ngân sách lên đến 2 triệu bảng. Khách Hồng Kông ưa chuộng khu Tây và Tây Bắc London vì có cộng đồng người Hoa khá lớn sinh sống. Các khu ngoại ô như Richmond, Roehampton và Barnes cũng là những lựa chọn phổ biến.

Các chuyên gia nhận định thị thực BN (O) tác động đáng kể đến sự quan tâm của người Hồng Kông đến Anh nói chung, London nói riêng. Tuy nhiên, hầu hết những người theo đuổi con đường nhập cư này không thuộc nhóm người Hồng Kông giàu có nhất. Di cư theo chương trình BN (O) được coi là "tương đương với việc đóng gói hành lý và không bao giờ quay trở lại". Đây là con đường phù hợp với các nhà hoạt động vì dân chủ, còn những người giàu có thường sẽ không bán các doanh nghiệp có trụ sở tại Hồng Kông của họ và rời đi vĩnh viễn.

Trên thực tế, giới siêu giàu Hồng Kông đã bắt đầu lên kế hoạch di chuyển tài sản, thậm chí cả bản thân và gia đình đến Anh trước khi chương trình thị thực BN (O) được công bố. Sẵn tiềm lực tài chính, họ thường hướng tới thị thực nhà đầu tư vào Anh.  

Các nhà đầu tư Hồng Kông đứng đầu danh sách các quốc gia có đơn xin cấp thị thực nhà đầu tư được săn đón nhất trong quý 4/2020. Theo dữ liệu của Astons, có 10 người Hồng Kông đã nhận được thị thực Nhà đầu tư Cấp 1, yêu cầu phải có tài sản lưu động trị giá 1 triệu bảng ở Anh trong những tháng cuối năm ngoái. Sau 5 năm sở hữu thị thực này, họ sẽ đủ điều kiện được cấp thẻ thường trú.

Theo các chuyên gia, giới siêu giàu lựa chọn thị thực đầu tư là vì họ chưa muốn rời Hồng Kông vĩnh viễn mà chỉ tìm cách tránh rủi ro, đồng thời đa dạng hóa tài sản về mặt địa lý. Chuyển ra nước ngoài không đồng nghĩa với việc ủng hộ những người biểu tình, họ chỉ đang tìm cách bảo vệ tài sản và kiếm thêm nhiều tiền hơn trong khi đa dạng hóa các mối liên kết với Hồng Kông.

Lan Chi

>> Bất động sản gần sân bay rớt giá, dân Hồng Kông tranh thủ “săn” nhà giá hời
>> Vắc xin Covid – “Phép màu” giúp BĐS bán lẻ Hồng Kông vượt qua sóng gió?
>> Xu hướng co-living thắp lên hi vọng cho thị trường nhà đất Hồng Kông, Singapore

Tin liên quan