Giá nhà quá đắt đỏ, dân Trung Quốc không dám sinh con thứ hai

24/07/2021

Giá nhà quá đắt đỏ, dân Trung Quốc không dám sinh con thứ hai

Hơn một phần ba số người được hỏi trong cuộc khảo sát của Ke.com Research cho biết họ không muốn sinh con thứ hai, trong khi gần một nửa cho biết gánh nặng kinh tế là mối quan tâm lớn nhất của họ. Khảo sát này được thực hiện trên 1.500 gia đình sống ở 179 thành phố của Trung Quốc.

Khoảng 20% trong số những người không có ý định sinh thêm con cho biết: “Mua một căn nhà đã quá đắt đỏ, chúng tôi không đủ khả năng đổi nhà rộng hơn khi sinh con thứ hai.”

Năm 2015, Trung Quốc bãi bỏ “chính sách một con” vốn được thực thi nghiêm ngặt trong hơn 35 năm, cho phép mỗi gia đình có hai con trong bối cảnh tỷ lệ sinh của nước này tụt xuống mức thấp lịch sử. Tuy nhiên, giá nhà tăng cao có thể cản trở nghiêm trọng nỗ lực của chính phủ trong việc thúc đẩy mức sinh, ngăn chặn tình trạng dân số già.

Thị trường bất động sản Trung Quốc
Một ngôi nhà 3 phòng ngủ ở Bắc Kinh có giá trung bình khoảng 6,7 triệu tệ, vượt quá khả năng chi trả của đa số các cặp vợ chồng trẻ, khiến họ không muốn sinh thêm con. Ảnh: AFP 

Ngoài mức tăng đột biến vào năm 2016, ngay sau khi chính sách cũ được bãi bỏ, tỷ lệ sinh của Trung Quốc tiếp tục đà giảm. Năm ngoái, cả nước ghi nhận 14,65 triệu ca sinh, tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp nhất trong 50 năm. Trong khi đó, giá nhà đã tăng hơn 60% kể từ năm 2016, theo số liệu của Viện Nghiên cứu và Phát triển Trung Quốc E-house.

Yan Jinqiang, chuyên gia phân tích của Ke.com Research, nhận định: “Người dân không đủ khả năng mua một ngôi nhà rộng hơn để có thêm con, đặc biệt là ở các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến. Dù các cặp vợ chồng trẻ tin rằng có thêm một đứa trẻ để bầu bạn với con đầu lòng sẽ tạo nên một gia đình hạnh phúc hơn, tình hình thực tế khiến họ không sẵn sàng sinh thêm.”

Hơn một nửa số người trả lời khảo sát nói trên tin rằng một ngôi nhà có ít nhất 3 phòng ngủ là thích hợp để nuôi dạy 2 con. Một ngôi nhà như thế sẽ tiêu tốn khoảng 6,7 triệu nhân dân tệ nếu ở Bắc Kinh và gần 6 triệu nhân dân tệ nếu ở Thượng Hải và Thâm Quyến.

Giới phân tích cho biết vấn đề đã nghiêm trọng đến mức chính phủ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tìm ra các biện pháp nghiêm ngặt hơn để kiềm chế giá bất động sản.

Ông Yan Yuejin, Giám đốc Viện nghiên cứu và phát triển E-house China, cho biết: “Trong thời gian tới, chính quyền trung ương và địa phương sẽ ban hành nhiều biện pháp “hạ nhiệt” thị trường, kiềm chế giá nhà để hạn chế tác động tiêu cực của giá nhà đắt đỏ đối với kế hoạch hóa gia đình và ý định sinh thêm con của các cặp vợ chồng trẻ.”

Giới chức Trung Quốc đang bắt đầu áp dụng lại các quy định đã được dỡ bỏ vào đầu năm nay, khi tâm lý của người mua bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Đơn cử, Thâm Quyến áp dụng các biện pháp mới để siết giao dịch mua ngôi nhà thứ hai ở “Thung lũng Silicon của Trung Quốc”. Tại Hàng Châu - nơi đặt trụ sở của các công ty nổi tiếng như Alibaba, NetEase, chính quyền địa phương quy định các bậc cha mẹ chuyển đến sống gần con cái đang làm việc ở thành phố này phải cư trú 3 năm liên tục tại địa phương mới được phép mua nhà. 

Theo dự báo của cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế S&P, các biện pháp của chính phủ Trung Quốc nhằm hạ nhiệt thị trường nhà ở sẽ khiến giá nhà giảm khoảng 5% trong năm 2021.

Lan Chi

>> "Né" rủi ro chính trị, dân Trung Quốc chuyển hướng mua nhà đất 
>> Phục hồi sau Covid, bất động sản Trung Quốc đối mặt rủi ro bong bóng
>> Vì sao người Trung Quốc rải tiền gom bất động sản khắp toàn cầu?

Tin liên quan